(Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị)
Đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, tích cực từ tỉnh đến cơ sở với sự tham gia đông đảo của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Toàn tỉnh đã tổ chức 721 lượt thanh, kiểm tra trên 16.000 cơ sở về an toàn thực phẩm; lập biên bản xử lý, xử phạt trên 3.000 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 1,4 tỷ đồng; thu hồi, tiêu hủy nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho người quản lý, người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Các vụ ngộ độc thực phẩm đều được các đơn vị y tế cấp cứu, điều trị kịp thời.
Công tác kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn; nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm; việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm ở cấp huyện và cấp xã còn hạn chế, chủ yếu là hình thức nhắc nhở…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao, kết quả đã đạt được của các ngành, địa phương trong công tác ATTP 6 tháng đầu năm 2015. Để công tác ATTP được triển khai hiệu quả 6 tháng cuối năm và tiếp theo, đồng chí Chủ tịch yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp: Phải có sự thống nhất từ cấp chính quyền tới cơ sở để tập trung giải quyết; chú trọng công tác phòng ngừa. Đặc biệt, tăng cường đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm, ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, chế biến thực phẩm về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền đến người dân biết, sử dụng thực phẩm an toàn, người dân trở thành người tiêu dùng thông thái. Các cơ sở sản xuất không đảm bảo ATTP cần đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dânđược biết; tăng cường tuyên truyền đưa tin về các đợt thanh kiểm tra, nhằm nhắc nhở các các địa phương có cơ sở vi phạm về ATTP.
Đối với công tác quản lý, cần tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến ATTP; sản xuất thực phẩm. Các thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương phải có chứng nhận an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người tiêu dùng về chất lượng an toàn của sản phẩm. Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm hoàn thành xây dựng đề án chuỗi cung cấp thực phẩm; kiểm soát nguồn gốc vật tư, thuốc trừ sâu nông nghiệp chặt chẽ. Chính quyền các địa phương cần cương quyết dùng các biện pháp để đưa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các điểm giết mổ tập trung. Các sản phẩm hàng hóa vận chuyển qua biên giới cần được quan tâm kiểm soát chặt chẽ.
Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng chí đề nghị phân cấp cho cấp huyện thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra các cấp; giao nhiệm vụ cho cấp xã có chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ, đầu mối buôn bán thực phẩm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thậm chí khởi tố để đảm bảo tính răn đe; củng cố BCĐ liên ngành an toàn thực phẩm ở các địa phương, hình thành các tiểu ban chỉ đạo và duy trì thường xuyên các cuộc họp, nghiêm túc kiểm điểm, thực hiện có kết quả. Các ngành, địa phương mạnh dạn đề xuất hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng ATTP cho doanh nghiệp trong tỉnh. Sở Tài chính bố trí ngân sách dành cho công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP, đầu tư trang bị thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra ATTP trên địa bàn. Các ngành, các địa phương cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP.
Nguồn: Chi cục an toàn thực phẩm Quảng Ninh
Bình luận