Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng luật ATTP; từ đó hướng đến mục tiêu giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng tạp chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; trồng trọt, có các hành vi gây mất an toàn thực phẩm.
Sáng ngày 24/4/2018 tại hội trường UBND thành phố Yên Bái đã diễn ra lễ phát động “tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018, tới dự lễ phát động có Đ/c Dương Văn Tiến -Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Yên Bái; đ/c Ngô Hồng Hạnh phó chủ tịch UBNDTP Yên Bái; đ/c Lê Thị Hồng Vân Phó giám đốc Sở Yế; đ/c Lương Quốc Dũng, Chi cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực cùng lãnh đạo các sở ban ngành: Sở Công thương, Sở Nông Nghiệp, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh; Công An TP; Thành đoàn; Trung tâm Y tế TP và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất rau của quả an toàn đóng tại địa bàn thành phố Yên Bái.
Phát biểu tại Lễ phát động, Đ/c Ngô Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND TP Yên Bái nhấn mạnh, việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác ATTP đã được xây dựng và từng bước được hoàn thiện. Công tác chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân các cấp đã được tăng cường; hệ thống tổ chức quản lý, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn và tăng cường từ tuyến tỉnh đến địa phương; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, đã từng bước hình thành một số vùng sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng đáng kể; một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín; việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn thực phẩm có tiến bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường triển khai, nhằm kịp thời ngăn chặn những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, nên cũng hạn chế được tối đa số vụ ngộ độc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, đồng chí mong muốn trong thời gian tới công tác an toàn thực phẩm được các cấp các ngành xây dựng quy chế phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trong năm 2018 tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp hơn nữa có giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém: về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đường phố; ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính; kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu và gian lận thương mại; kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn.
Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Yên Bái
Bình luận