Ngành sữa Việt Nam đầu tư phát triển và đa dạng hoá sản phẩm

Ngày đăng: 10/09/2014 - Lượt xem: 4045

Với chủ đề “Ngành sữa Việt Nam – chiến lược phát triển đa dạng hoá sản phẩm vì sức khoẻ cộng đồng”, Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) và Hiệp hội Khoa học công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam (VAFOST) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tại Hà Nội.

Tham gia Hội thảo này có các thành viên của Hiệp hội Sữa Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh sữa và sản phẩm sữa, các hiệp hội, viện nghiên cứu liên quan đến ngành sữa.

Ông Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Phó chủ tịch VDA đã khai mạc hội nghị nhấn mạnh sự phát triển ấn tượng của ngành sữa và tầm quan trọng trong lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp của các doanh nghiệp sữa Việt Nam cũng như vai trò của VDA đối với các thành viên.

Trong tham luận của mình, TS.Vũ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký VDA cho rằng, trong thời gian qua, ngành sữa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về công nghệ chế biến, chăn nuôi bò sữa cung cấp nguồn nguyên liệu. Thực tế cũng cho thấy, ngành sữa Việt Nam đang đi đúng định hướng của chính phủ và phù hợp với lộ trình phát triển bền vững của ngành sữa là kết hợp phát triển công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nguyên liệu đáp ứng số lượng và chất lượng một cách bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường. Qua đó cung cấp sản phẩm sữa chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng cho thị trường khu vực và thế giới. Hiện tổng đàn bò sữa của Việt Nam năm 2014 (số liệu thống kê 01/04/2014) là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn đang và có kế hoạch tham gia đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa. Điều này chứng minh sự phát triển gắn kết giữa ngành chế biến sữa và ngành chăn nuôi bò sữa và là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển ngành sữa là ngành chế biến sữa phát triển đi trước tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu.

Ngành chế biến sữa trong nước đã xây dựng thêm nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại tầm cỡ thế giới. Nhà máy sữa Việt Nam thuộc Vinamilk xây dựng trên diện tích 20 ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng trang bị công nghệ tự động hoá khép kín, đặt tại tỉnh Bình Dương, tập trung vào các sản phẩm sữa nước với công suất thiết kế cao nhất là 800 triệu lít/năm. Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam cũng của Vinamilk có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/một năm cũng được xem là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực châu Á.

Hiện nay Việt Nam đã có được hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế Global G.A.P, đó là các trang trại Nghệ An, Lâm Đồng, Tuyên Quang thuộc công ty Vinamilk. Chứng chỉ GlobalG.A.P. là chứng chỉ hàng đầu thế giới về chương trình đảm bảo chất lượng trang trại, thuộc tổ chức Global G.A.P. Tháng 8 vừa qua, Vinamilk đoạt Giải thưởng Công nghiệp Thực phẩm toàn cầu IUFoST 2014 tại Canada. Với giải thưởng lần này, sản phẩm sữa nước của Vinamilk đã vượt qua hơn 100 sản phẩm được đề cử đến từ 70 quốc gia để lọt vào vòng chung kết và đoạt Giải thưởng Công Nghiệp Thực phẩm Toàn Cầu 2014.  

Bên cạnh các trang trại bò sữa với quy mô lớn từ 1.000 đến hơn 5.000 con/trang trại, hiện nay hình thức chăn nuôi hộ gia đình với quy mô từ dưới 5 con đến dưới 50 con/hộ còn chiếm tới gần 70% tổng đàn bò sữa và đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến sữa ở Việt Nam. Do đó việc kết hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa quy mô lớn công nghệ cao kết hợp với chăn nuôi quy mô hộ gia đình tạo nguồn nguyên liệu phong phú sẽ còn là chiến lược đúng đắn và phù hợp của ngành sữa và được chính phủ Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ bằng nhiều chính sách.

Nguồn: Hiệp hội sữa Việt Nam 

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top