(TS. Nguyễn Hùng Long - PCT Cục ATTP)
Tham dự hội nghị có khoảng 100 đại biểu của UBND thành phố, lãnh đạo UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, phường 12, quận 4 và cán bộ quản lý an toàn thực phẩm của thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
(ThS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP TP.HCM)
Tại Hội nghị, Ths. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo đảm toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố và kết quả xây dựng mô hình điểm năm 2013 – 2014 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố; các đại biểu và 02 đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Thành và phường 12 đã phát biểu tham luận, đánh giá kết quả xây dựng mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.
Với tinh thần quyết tâm từng bước kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, bảo đảm mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị chức năng đã tổ chức triển khai đồng bộ, rộng khắp nhiều biện pháp như: ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố; thông tin – truyền thông – giáo dục nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của người kinh doanh; hỗ trợ cho người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện các quy định pháp luật (hỗ trợ vật dụng, dụng cụ; miễn phí tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; miễn giảm phí khám sức khỏe định kỳ cho người kinh doanh thức ăn đường phố tại các phường xây dựng mô hình điểm…); tập huấn nâng cao năng năng lực cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận/huyện, xã/phường; tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý việc vi phạm các quy định pháp luật; xây dựng mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại 02 phường điểm…
Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 106/KH-ATTP ngày 27/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố năm 2013 – 2014, tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 20.038 điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá đã có những chuyển biến tích cực theo 10 tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm; 73,2% tổng số số cơ sở đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở được kiểm tra có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm năm 2014 đã giảm 6,8% so với năm 2013. Đặc biệt tại 02 phường xây dựng mô hình điểm có 195 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã thực hiện 10 tiêu chí theo quy định đạt từ 89 - 99% (vượt kế hoạch đề ra là >85%). Nhiều tiêu chí được cho là “khó” thực hiện nhưng đã đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối như: bày bán trên bàn/giá cao cách mặt đất 60cm, không để lẫn thức ăn chín và thực phẩm sống, kinh doanh ở nơi xa nguồn ô nhiễm (đạt 99%); người kinh doanh thức ăn đường phố được khám sức khỏe, tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn, có dụng cụ xúc/gắp, găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (đạt 97%)…
(Ông Ngô Quốc Quang - Lãnh đạo Phường 12)
Các đại biểu đã thống nhất chỉ ra nguyên nhân đạt được những kết quả này là do sự đồng thuận trong nhận thức về trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật của người kinh doanh thức ăn đường phố, quyết tâm thực hiện của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban nhân dân quận/huyện, Ủy ban nhân dân xã/phường và Trạm y tế xã/phường. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực các vật dụng, dụng cụ phục vụ hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố của các doanh nghiệp cho các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn phường điểm. Các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức và đề suất kiến nghị để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố bền vững như quy hoạch địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố; chính sách hỗ trợ cho người kinh doanh thức ăn đường phố về chi phí khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động thông tin, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát…
Kết thúc hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long đã đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sau 2 năm thực hiện Kế hoạch số 106/KH-ATTP ngày 27/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế; thống nhất với những định hướng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2015. Đặc biệt nhấn mạnh những thành công trong việc xây dựng 2 mô hình phường/xã điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại phường Tân Phú, phường 12 là những kinh nghiệm thực tiễn giá trị cần được phổ biến, nhân rộng để kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT.
(Toàn cảnh hội nghị)
Với tinh thần trách nhiệm cao trong quản lý, thẳng thắn và cởi mở, các cơ quan chức năng của địa phương đã đồng thuận đưa ra các phương án, biện pháp để kiểm soát an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, bảo đảm mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế xã hội.
VFA
Bình luận