Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai và phát động“Tháng hành động vì ATTP" năm 2017

Ngày đăng: 13/04/2017 - Lượt xem: 1423

Chiều 12-4- 2017, Hội nghị triển khai và phát động“Tháng hành động vì ATTP năm 2017” trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được tổ chức.Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) Thành phố đã chủ trì hội nghị.

Tham gia Hội nghị có ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, ông Trần Văn Chung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Phùng Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công thương, đại diện Chi Cục ATVSTP TP Hà Nội, đại diện các đại biểu của các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội và đại diện các bộ, ban ngành tại Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết: “Tháng hành động vì ATTP” là điểm nhấn trong năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Theo kế hoạch, Tháng hành động vì ATTP sẽ tập trung vào 2 nội dung chính là triển khai chiến dịch truyền thông đảm bảo ATTP và thanh tra, kiểm tra trên địa bàn TP Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, các chiến dịch tuyên truyền được tổ chức đến hết ngày 15/5/2017. Các nội dung bao gồm: Huy động các cơ quan thông tấn báo chí của Thành phố và Trung ương tham gia, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm rau, thịt theo pháp luật. Phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP, trong đó, công khai tên các cơ sở cung cấp rượu, các sản phẩm rau, thịt không đảm bảo an toàn và biểu dương các cơ sở cung cấp sản phẩm rau, thịt đảm bảo an toàn. 

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác thanh kiểm tra sẽ diễn ra từ 15/4/2017 đến 15/5/2017. Cụ thể, cấp Thành phố sẽ có 6 đoàn liên ngành ATTP kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và sở, ngành. Đồng thời, sẽ kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến rượu, rau, thịt trên địa bàn. Ở cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra tại địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị ban, ngành từ Thành phố đến các địa phương và khẳng định lĩnh vực ATTP đang là vấn đề “nóng bỏng”. Đặc biệt, đối với vấn đề ngộ độc rượu Methanol tại một số địa phương, lãnh đạo Thành phố giao địa phương điều tra quyết liệt và xử lý nghiêm khắc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể và báo cáo trước ngày 30/5/2017, đồng thời, báo cáo định kỳ 3 tháng/lần lên Thành phố. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các đơn vị chỉ đạo, kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực phẩm, thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau quả, gia súc, gia cầm, hải sản. Bên cạnh đó, thắt chặt quản lý việc chế biến thực phẩm; thực phẩm nhập lậu; sản xuất, pha chế rượu thủ công… Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể và cá nhân cũng như nhân rộng mô hình làm tốt công tác ATTP…

Ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu tại Hội nghị

Phó Cục trưởng Cục ATTP, Đỗ Hữu Tuấn phát biểu: cần duy trì tính bền vững trong công tác quản lý ATTP. Liên quan Tháng hành động vì ATTP, sự vào cuộc của thành phố quyết liệt cùng sự phối hợp chặt chẽ của sở, ban, ngành đã thu được kết quả đáng ghi nhận, tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Xây dựng được mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, chuỗi thực phẩm an toàn, điểm cung cấp thực phẩm an toàn trong nội đô. Mỗi một năm Tháng hành động lấy chủ đề nóng của năm đó nhằmthu hút sự quan tâm các cấp chính quyền và người dân, tạo động lực để triển khai cả năm. Ba năm qua, với độ nóng của vấn đề ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành TW về VSATTP đã liên tục chọn chủ đề "sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" liên quan trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày, năm nay do tính cấp thiết cần của việc tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu nên có thêm chủ đề nữa là “Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.

Để thực hiện tốt việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, TP. Hà Nội cần triển khai:

1. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn: Thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.Tuyên truyền, phổ biến tác hại của rượu, phòng ngừa ngộ độc rượu và cách xử trí khi bị ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao.

2. Chỉ đạo đẩy nhanh việc phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi động, thực vật, thủy hải sản an toàn, bảo đảm vệ sinh thú y; thực hiện an toàn thực phẩm trong các khâu giết mổ, vận chuyển, bảo quản gia súc, gia cầm, thủy hải sản.

3. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đầy đủ thành phần đủ quyền lực, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm tươi sống. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn.

4. Các doanh nghiệp, các cơ sở  sản xuất, kinh doanh thực phẩm nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, coi việc bảo đảm an toàn thực phẩm vừa là lương tâm, văn hóa kinh doanh, vừa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất cần tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp để pha, chế biến rượu cho người sử dụng.

5. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và bảo đảm an toàn thực phẩm thực phẩm tươi sống nói riêng.

Để tiếp tục triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, rất mong các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng, các cơ quan báo chí truyền thông và các tổ chức quốc tế trên địa bàn TP. Hà Nội cần tích cực phối hợp, hỗ trợ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và các hoạt động của Tháng hành động để đem lại những kết quả thiết thực góp phần cải thiện tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn.

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top