Ngày 14/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2210/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn đánh giá, chấm điểm công tác quản lý ATTP của UBND huyện thành phố năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh thành lập 03 đoàn liên ngành do lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp làm trưởng đoàn thực hiện chấm điểm, đánh giá công tác quản lý nhà nước về ATTP của UBND 09/9 huyện, thị xã, thành phố.
Đây là năm thứ ba liên tiếp, tỉnh Lào Cai thay đổi hình thức từ kiểm tra sang chấm điểm, xếp loại với mục đích phúc tra kết quả tự chấm điểm của UBND các huyện, thành phố theo bảng điểm kiểm tra ban hành kèm theo Quyết định số 2050/QĐ-UBND ngày 01/7/2020 của UBND tỉnh; thông qua công tác chấm điểm từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương và năng lực quản lý ATTP của các đơn vị liên quan đồng thời nắm bắt thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác ATTP ở cơ sở để kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành cho phù hợp thực tiễn.
Cơ cấu của bảng điểm như sau: Tổng điểm tối đa đơn vị có thể đạt được là 102 điểm, trong đó có 100 điểm đạt, 02 điểm thưởng, nếu đơn vị nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm cấp tính vượt quá chỉ tiêu <9 ca/100.000 dân thì bị trừ 07 điểm. Bảng điểm chia thành 02 mục lớn là Công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo (mục này tối đa đạt 30 điểm) và mục kết quả thực hiện (mục này tối đa đạt 70 điểm và 05 điểm thưởng). Loại xuất sắc đạt từ 95 điểm trở lên, loại tốt đạt từ 90 đến dưới 95 điểm, loại khá đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, loại trung bình đạt dưới 70 điểm.
Qua tổng hợp kết quả, có 04 đơn vị xếp loại Xuất sắc (trong đó huyện Bảo Thắng có số điểm cao nhất 100 điểm, SaPa 96 điểm, SiMaCai và thành phố Lào Cai cùng đạt 95 điểm); 04 đơn vị xếp loại Tốt (Mường Khương đạt 93 điểm, Bát Xát 92 điểm, Văn bàn và Bắc Hà cùng đạt 90 điểm); 01 đơn vị xếp loại Khá là Bảo Yên với 87 điểm do trong năm để xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm làm 60 người mắc (vượt 10 lần số ca mắc so với chỉ tiêu giao).
Qua kết quả đánh giá, chấm điểm cho thấy, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm hơn đến lĩnh vực ATTP, dần khắc phục được các tồn tại của năm trước để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số huyện vẫn có số điểm tương đối thấp hoặc giảm đi từ 03 đến 07 điểm so với năm 2019. Các điểm không đạt tuyệt đối chủ yếu là do công tác xử lý các cơ sở vi phạm của các đơn vị chưa triệt để; nguồn kinh phí chính quyền địa phương cấp cho công tác ATTP còn thấp; chưa có đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến cấp tỉnh về lĩnh vực ATTP; có 04 huyện còn để xảy ra ngộ độc thực phẩm (Bảo Yên, SiMaCai, Văn bàn, Bảo Thắng).
An toàn thực phẩm là vấn đề nhạy cảm, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, rất cần sự quan tâm và quản lý sát sao của chính quyền các cấp và năng lực, trình độ của các cơ quan chuyên môn cũng như sự giám sát, phát hiện và tố giác của quần chúng nhân dân. Qua công tác kiểm tra, chấm điểm UBND huyện, thành phố đã góp phần nâng cao được trách nhiệm và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai
Bình luận