Ngày 09/02/2018, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm mở rộng năm 2018. Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành đã đến dự và chỉ đạo hội nghị; Hội nghị còn có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Anh - Giám đốc Sở Y tế, các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của 10 huyện, thành phố cùng các ban ngành liên quan.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành chỉ đạo hội nghị
Báo cáo tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Bà Nguyễn Thị Anh – Giám đốc Sở Y tế đã nêu: trong năm 2017, dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động truyền thông, giáo dục được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến kinh doanh và tiêu dùng. Những hoạt động truyền thông được thể hiện bằng nhiều hình thức tuyên truyền từ trực tiếp đến gián tiếp, với nội dung phong phú, đa dạng, có hiệu quả cao được truyền tải và đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo đến toàn dân. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tiến hành thường xuyên, đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mất an toàn thực phẩm, tạo được tính răn đe trong cộng đồng, trong năm 2017 các đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra 129 cơ sở thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 18 cơ sở, phạt tiền 16 cơ sở với tổng số tiền phạt là 98.300.000 (chín tám triệu ba trăm nghìn đồng), cảnh cáo 01 cơ sở, đóng cửa: 01 cơ sở. Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định ATTP được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thủ tục
Bà Nguyễn Thị Anh – Giám đốc Sở Y tế báo cáo kết quả hoạt động năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị nêu rõ một số ý kiến trong công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Ông nêu rõ
Qua công tác kiểm tra liên ngành, đã đánh giá một cách toàn diện thực trạng việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kết quả cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã nhận thức được vai trò, nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mình và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời công tác kiểm tra liên ngành cũng đánh giá được việc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm các cấp.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn như:
- Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thời vụ tự phát chiếm số lượng không nhỏ - khó kiểm soát, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, các điều kiện đảm bảo cho người lao động còn thiếu nên việc cấp giấy chứng nhận đủ điều an toàn vệ sinh thực phẩm ở tuyến huyện, thị thành phố đạt tỷ lệ chưa cao.
- Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở một số phường, xã, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên; nhất là công tác đảm bảo VSATTP thức ăn đường phố; hoạt động phối hợp kiểm tra còn hạn chế.
- Ý thức trách nhiệm của một bộ phận các nhà sản xuất, người kinh doanh thực phẩm chưa cao; một số người tiêu dùng thường sử dụng thực phẩm theo thói quen. Các biện pháp xử lý vi phạm ở tuyến huyện/thị/thành phố còn hạn chế, chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe.
- Một số cán bộ được các đơn vị cử tham gia Đoàn liên ngành có chưa có chuyên môn sâu trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong quá trình tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, một số thành viên đoàn nghỉ vì phải giải quyết công việc của cơ quản chủ quản.
Một số kiến nghị để công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới cũng được nêu rõ tại hội nghị như:
- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra liên ngành để thống nhất công tác quản lý an toàn thực phẩm trên toàn tỉnh. Ngoài việc kiểm tra liên ngành các cơ sở thuộc tuyến tỉnh quản lý, đẩy mạnh việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã.
- Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Y tế, là cơ quan chủ trì tham mưu về công tác kiểm tra liên ngành để tránh bỏ sót cơ sở thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, kịp thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm về sử dụng thực phẩm, hoặc xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động đề xuất các cơ sở thực phẩm được phân cấp quản lý cần được Đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý triệt để các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
- Giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đầu mối chủ trì, tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế về công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành để kịp thời thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra trong các dịp cao điểm về sử dụng thực phẩm, cũng như giải quyết các sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị đã được nghe tham luận của các đại biểu đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018, công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những thành quả đạt được trong công tác đảm bảo ATVSTP trong thời gian qua. Công tác đảm bảo ATTP dần đi vào thực chất và chiều sâu. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh công tác đảm bảo ATTP vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong các ngày tết, lễ, hội. Đồng chí yêu cầu:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ và hiệu quả các hoạt động đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.
- Công tác truyền thông phải được tăng cường nhằm chuyển tải rộng rãi đến người dân về đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành.
- Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thông và Sở Công thương phát triển, củng cố và kiện toàn mạng lưới từ tuyến tỉnh đến cơ sở, triển khai các biện pháp quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn VSTP từ khâu sản xuất, lưu thông và chế biến, giúp cho người dân an toàn khi sử dụng thực phẩm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội sắp tới.
- UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã bám sát các nội dung và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, sớm tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo đúng tiến độ và đúng thời điểm.
- Chủ động nắm bắt diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương, nhất là trong dịp tết, lễ hội đầu xuân để có giải pháp giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Chi Cục ATVSTP Hưng Yên
Bình luận