Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Phần lớn hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm diễn ra ở cơ sở xã, phường, thị trấn, do vậy, từng cấp ủy, chính quyền cấp xã phải vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát để thực hiện mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm, vì chính sự an toàn và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.
Các đại biểu dự hội nghị cơ bản thống nhất với đánh giá, thời gian qua, với việc triển khai Nghị quyết 04, công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Một số vấn đề bức xúc về thực phẩm cơ bản được giải quyết, từng bước tạo niềm tin trong nhân dân. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Công tác kiểm tra giám sát, ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo an được quan tâm thực hiện. Trong 9 tháng đầu năm 2018, các sở, ngành cấp tỉnh và các cơ quan quản lý cấp huyện đã lấy hơn 5.300 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản để giám sát, phát hiện 125 mẫu vi phạm, chủ yếu dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật ở rau, dương tính với Methanol đối với rượu, không phát hiện chất cấm trong chăn nuôi; trên địa bàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra; 32 xã, phường, thị trấn xây dựng thí điểm về an toàn thực phẩm đã đạt khoảng 62,5% tiêu chí và dự kiến hoàn thành cuối năm 2018.
Các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm bước đầu, những khó khăn từ cơ sở, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm
Tuy nhiên, các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế cả ở công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra giám sát và nâng cao nhận thức, trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý an toàn thực phẩm ở một số ngành, địa phương chưa thực sự được quan tâm.
Đại biểu đầu cầu cấp huyện phát biểu tại Hội nghị
Đại diện các xã cũng đề xuất, kiến nghị về tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở; chính sách đối với tổ giám sát cộng đồng; phối hợp giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cấp xã trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; góp ý sửa đổi quyết định 4627 về tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đặt mục tiêu tổng quát là đến hết năm 2020 thực phẩm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đầu đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn đạt mục tiêu này thì trước hết phải thực hiện tiêu chí về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đây vừa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dung, vừa là chấp hành quy định của pháp luật. Trong bối cảnh việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa chưa triển khai đồng bộ, toàn diện, trước mắt, các địa phương có thể tổ chức cho các chợ bố trí riêng khu vực bán hàng có nguồn gốc xuất xứ và khu vực bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng lựa chọn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tăng cường quản lý để những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm mới được phép hoạt động, nhưng không khuyến khích phát triển quy mô giết mổ nhỏ lẻ, và tất cả sản phẩm giết mổ ở dù nhỏ lẻ hay tập trung đều phải được kiểm dịch trước khi đưa ra tiêu thụ.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các xã thí điểm xây dựng xã, phường an toàn thực phẩm dù đã đạt 5/8 tiêu chí, song có thể nhận thấy tiêu chí số cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định an toàn thực phẩm còn đạt thấp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về an toàn thực phẩm có nơi còn yếu kém chưa được xem là nhiệm vụ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tổ chức bộ máy, xây dựng thể chế kế hoạch thực hiện chưa cụ thể, một số địa phương còn lúng túng, kết quả hạn chế.
Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên 10 nhóm nhiệm vụ mà các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã thành phố, các xã, phường thị trấn phải thực hiện để đến hết năm 2019 tất cả các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở Nông nghiệp, Y tế, Công thương, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các đơn vị liên quan, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực quản lý; bám sát các tiêu chí, các kế hoạch để kiểm tra, giám sát và hướng dẫn xã, phường, thị trấn thực hiện các tiêu chí an toàn thực phẩm.
Chi cục ATVSTP Thanh Hóa
Bình luận