Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Đồng chí Đặng Ngọc Huy – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm cùng các đồng chí trong đoàn kiểm tra tại Bếp ăn tập thể Công ty Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên
Qua một tháng triển khai, kết quả các hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục, truyền thông được chú trọng với các nội dung về tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Phát huy hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để tập trung chuyển tải thông điệp Tháng hành động đến người dân, phát 1659 lượt trên đài phát thanh, 24 buổi trên đài truyền hình. Tổ chức tập huấn được 92 lớp với 2913 người tham dự, 25 buổi hội thảo với 840 người tham dự, 279 buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề với 16.666 người nghe, hơn 50 tin bài trên báo viết, báo điện tử ; sản xuất và treo 347 băng zôn trên địa bàn toàn tỉnh ; in 430 tờ rơi, tờ gấp. Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 220 đoàn thanh tra, kiểm tra ; trong đó có 18 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh, 202 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến huyện, xã. Tổng số loại hình cơ sở được thanh kiểm tra là 3091(chiếm 23,84% tổng số cơ thực phẩm trên toàn tỉnh), trong đó có 2319 cơ sở đạt (chiếm 75%). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống hầu hết đã thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh cơ sở; chủ cơ sở và người lao động tại các cơ sở được khám sức khỏe và xác nhận kiến thức về ATTP định kỳ theo quy định; người lao động mang mặc bảo hộ lao động đầy đủ và thực hành ATTP đúng theo quy định; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống sử dụng nguồn nước đảm bảo ATTP và được kiểm nghiệm định kỳ theo quy định, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm sử dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, trong 3091 cơ sở thực phẩm được thanh kiểm tra, có 772 cơ sở thực phẩm vi phạm, trong đó 207 cơ sở vi phạm bị xử lý (6,69%), 06 cơ sở bị cảnh cáo (0.19%), 207 cơ sở bị phạt tiền (6,69%) với tổng số tiền phạt là 191.349.000 vnđ; ngoài ra có 02 cơ sở bị đóng cửa, 08 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm. Các nội dung vi phạm chủ yếu là cơ sở chưa có giấy khám sức khoẻ, giấy xác nhận kiếm thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm; nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có tem nhãn phụ đối với sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng…Các đoàn thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm những vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Gắn liền công tác thanh tra, kiểm tra với công tác truyền thông, trong quá trình thanh, kiểm tra đoàn đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm giúp cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 mở ra, là điểm nhấn và là bước đầu cho các hoạt động về an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục diễn ra trong năm. Kết quả thực hiện được trong Tháng hành động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở sản xuất , kinh doanh thực phẩm. Qua đó nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
Chi cục ATVSTP Thái Nguyên
Bình luận