Kết quả kiểm tra xác minh thông tin về tẩy trắng mực trên địa bàn thành phố Hà Nội

Ngày đăng: 05/02/2015 - Lượt xem: 4620

Ngày 26/12/2014, trên trang báo lao động đời sống và một số trang báo điện tử có bài viết phản ánh tình trạng một số cơ sở dùng oxy già để tẩy trắng mực rồi đem đi tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Ngay sau khi có thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh tập trung tại các địa điểm báo nêu (chợ đầu mối Long Biên, quận Ba Đình; thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức; phố Bồ Đề, quận Long Biên...), kết quả như sau (báo cáo số 01/BC-CCATVSTP ngày 20/01/2015):

Tại quận Ba Đình: Ngày 29/12/2014, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại chợ đầu mối Long Biên. Tổng số có 20 cơ sở kinh doanh thủy hải sản, 100% các cơ sở có đăng ký kinh doanh và đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với ban quản lý chợ, 05 hộ có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra phát hiện 02 can Hydrogen peroxide (còn gọi là oxy già, hóa chất dùng trong công nghiệp) đang dùng dở tại 02 quầy kinh doanh của bà Lý Thị Thanh, Đàm Thị Lý và đã lấy mẫu kiểm nghiệm.

Tại quận Long Biên: Ngày 08/01/2015, đoàn liên ngành đã tổ chức kiểm tra, xác minh tại địa chỉ ngách 135/14 phố Bồ Đề, phường Bồ Đề không có hoạt động kinh doanh thủy hải sản; tại chợ Lâm Du ở ngõ 135 phố Bồ Đề có 01 cơ sở bán các loại thủy hải sản thường xuyên (tại thời điểm kiểm tra không bày bán mực đông lạnh) và có 02 người địa phương khác thỉnh thoảng bán mực đông lạnh.

Tại huyện Hoài Đức: Ngày 26/12/2014 và ngày 09/01/2015, Công an huyện, xã và Đội quản lý thị trường số 24 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh hải sản do ông Nguyễn Văn Tứ làm chủ, địa chỉ tại thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức như trong báo nêu. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở có 03 công nhân đang sơ chế mực; cơ sở xuất trình được hóa đơn tài chính, giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh ATTP thủy sản, sản phẩm nhập khẩu do cơ quan thú y vùng II cấp. Tổ công tác đã lập biên bản và xử phạt tổng cộng 20.500.000 đồng đối với cơ sở về các hành vi vi phạm: không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP và giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

Tại huyện Thường Tín: Đến ngày 13/01/2015, theo báo cáo của Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP huyện thì không có xã, thị trấn nào báo cáo về việc có các cơ sở hộ gia đình tiêu thụ và sử dụng mực bẩn trên địa bàn huyện.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các cơ sở cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và đề nghị các cơ quan chức năng địa phương báo cáo UBND để tăng cường biện pháp quản lý, giám sát về đảm bảo ATTP tại các địa điểm nói trên, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý hành vi kinh doanh, tiêu thụ mực bẩn.

 

Như vậy các cơ quan chức năng đã phối hợp triển khai nhanh chóng, đồng bộ và quyết liệt các biện pháp để xử lý thông tin cảnh báo an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra hiện tại chưa phát hiện hành vi trực tiếp dùng oxy già để tẩy trắng mực tại các địa điểm như báo nêu, tuy nhiên đã phát hiện sự xuất hiện của hóa chất nói trên và vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm tại một số cơ sở.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát về đảm bảo ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cập nhật thông tin và cảnh báo sớm cho cộng đồng.

VFA

Bình luận

Liên kết

27.2
Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống tra cứu
Quản lý văn bản
codex

Bình chọn

Theo bạn, giao diện mới website Cục ATTP:

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
215,287,369
Trong tháng
379,590
Hôm nay
50,430
Đang Online
525
Back To Top